Thủ tục đám cưới là truyền thống, bản sắc văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên mỗi vùng miền lại có nét đặc trưng riêng của nó. Vậy những điểm chung và nét đặc trưng riêng của thủ tục đám cưới ba miền Bắc Trung Nam là gì? Mời các bạn cùng Diamond Place tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Thủ tục đám cưới miền Bắc Trung Nam cho nhà trai gái
Cùng với sự phát triển của cuộc sống thì các thủ tục đám cưới cũng dần dần thay đổi theo xu hướng tinh giản hơn nhưng vẫn duy trì và giữ được nét truyền thống mà ông bà tổ tiên xưa truyền lại. Ngày nay thủ tục đám cưới bắt buộc phải có các lễ là Dạm ngõ(Chạm ngõ), Ăn hỏi, Thành hôn và Lại mặt.
Trình tự thủ tục lễ Dạm ngõ (hay Chạm ngõ)
Đây là lễ bắt buộc không thể thiếu trong thủ tục đám cưới. Đánh dấu lần đầu tiên nhà trai và nhà gái chính thức gặp mặt nhau, thường thì nhà trai sẽ chọn ngày đẹp và sang nhà gái thưa chuyện xin cho đôi trẻ được chính thức qua lại tìm hiểu nhau.
Ngày lễ này hai gia đình nói chuyện trong không khí thân mật, ấm cúng nên lễ vật cũng không cần cầu kỳ đắt tiền.
Ông bà ta có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện” vì vậy lễ vật không thể thiếu là cơi trầu, cùng với đó là một ít bánh kẹo, rượu, thuốc và vấn đề về lễ vật hay chọn ngày đẹp để cưới hỏi cũng sẽ được hai bên gia đình bàn trong hôm nay.
Trình tự thủ tục lễ ăn hỏi
Lễ ăn hỏi (hay đám hỏi) là bên nhà trai sẽ đến nhà gái đúng trong khung giờ đẹp, và bưng theo tráp lễ vật mà nhà gái đã yêu cầu trước đó.
– Nhà trai: Chú rể, bố mẹ, ông bà, gia đình, họ hàng, bạn bè thân thiết và một số nam thanh chưa vợ bưng mâm quả (hoặc bê tráp). Thường là 5, 7, 9 tráp và có thể nhiều hơn nếu nhà trai có đủ điều kiện nhưng phải luôn là tráp lẻ.
– Nhà gái: Cô dâu, bố mẹ, ông bà, gia đình và một số nữ tú chưa chồng để đón lễ ăn hỏi, số nữ đón lễ vật tương ứng với số nam bưng mâm.
Các tráp (mâm quả) thường gồm trầu cau, chè, rượu, nến, hoa quả, bánh phu thê, xôi gấc. Sau khi hai bên gia đình chào hỏi, nhà trai nêu lý do đến nhà gái ngày hôm nay và giới thiệu về các tráp lễ vật cùng ý nghĩa của nó kèm theo đó là mong muốn của gia đình đối với cuộc sống sau này của “hai đứa nhỏ”.
Ngoài ra, Tráp ăn hỏi còn thể hiện sự biết ơn, tôn trọng của nhà trai đối với nhà gái đã nuôi dưỡng con dâu của mình trưởng thành, đồng thời cũng thể hiện được sự giàu sang, sung túc của gia đình họ nhà trai đồng thời rất sang trọng, lịch sự khi nhà trai đưa lễ vật sang nhà gái.
Về thủ tục lễ rước dâu
Sau lễ ăn hỏi nhà trai và nhà gái chọn được ngày tốt thì đợi đến ngày rước dâu. Thủ tục trong Lễ rước dâu như sau:
– Nhà trai: Trước khi chuẩn bị lễ rước dâu, cha mẹ hoặc bậc trưởng thượng chuẩn bị, kiểm tra và sắp xếp lại các tráp mâm quả – sính lễ. Chú rể thắp nhang báo cáo ông bà tổ tiên xin phép được xuất gia đi rước dâu về nhà.
– Tại Nhà gái: Đại diện nhà trai và người bưng khay trầu rượu đi phía trước để xin phép đại diện nhà gái được nhập gia. Được sự đồng ý, hai ông đại diện uống rượu và bắt tay nhau. Sau đó, đoàn nhà trai xếp hàng di chuyển đến trước cổng nhà gái, chờ tiến hành nghi thức trao mâm quả. Đoàn nhà trai bước qua cổng nhà gái. Các cô gái đỡ quả đi vào sau đoàn nhà trai.
– Trao lễ vật trong lễ rước dâu
– Nhà gái nhận quả và mang lên bàn thờ gia tiên.
– Đội bưng quả nhà gái sẽ mang quả đặt ở bàn thờ gia tiên trong lễ rước dâu. Thông thường, quả trầu cau đặt ở vị trí chính giữa để “đánh dấu”, vì khi mở quả sẽ mở quả này đầu tiên.
– Nhà trai trình lễ trong lễ rước dâu: Người chủ hôn của nhà trai mở đầu buổi lễ xin phép, mở nắp tráp, hoặc lật khăn đỏ phủ trên tráp lên và giới thiệu lễ vật gồm những gì.
– Cô dâu được dắt ra mắt trong lễ rước dâu: Cô dâu sẽ ngồi trong phòng của mình, đợi được cha hoặc mẹ dắt ra chào họ hàng hai bên, chuẩn bị làm lễ.
– Làm lễ gia tiên trong lễ rước dâu
– Trao nhẫn cưới trong lễ rước dâu
– Cô dâu – chú rể nhận quà trong lễ rước dâu
– Mời trầu cau và mời rượu
– Tiệc tại nhà gái: Ngày xưa nhà gái sẽ tổ chức phần tiệc ăn uống, nhưng ngày nay đã được giản lược đi với bánh, trái cây và trà nước. Vì thường đón dâu đều được “coi giờ lành” nên cần có lễ rước ngắn gọn ở nhà gái để còn kịp thời gian rước dâu về làm lễ ở nhà trai.
– Nhà gái trả lễ cho nhà trai
– Đưa cô dâu lên xe hoa
– Cô dâu về nhà trai trong lễ rước dâu: Khi cô dâu về nhà trai trong lễ rước dâu cô dâu phải làm lễ ra mắt trước bàn thờ tổ tiên bên nhà trai, nhận tiền, quà mừng của người nhà, họ hàng bên nhà trai.
Mẹ chồng dắt cô dâu vào phòng tân hôn, giới thiệu tổ ấm với bà con cô bác, làm thủ tục trải giường.
Lưu ý là giường cưới thường là giường mới, chưa ai nằm lên, mẹ chồng trải giường, có thể nhờ thêm những người họ hàng có con trai và con gái cùng trải giường để “lấy hên” cho cô dâu chú rể sau này cũng có đủ nếp đủ tẻ như vậy.
Trình tự thủ tục lễ thành hôn
Ngày nay để có không gian rộng và không phải tất bật nấu nướng, tiếp đãi, phục vụ, lau rửa thì ngoài việc cử hành lễ thành hôn tại nhà thì bên cạnh vẫn còn có gia đình chọn cử hành lễ thành hôn tại khách sạn.
Thủ tục lễ thành hôn tại nhà
- Tại nhà gái (sẽ gọi là Lễ vu quy): Sau khi nhà trai đến nhà gái theo giờ lành đã bàn bạc, trao lễ vật kèm theo phong bì tiền cho nhà gái. Tiếp theo đó cô dâu, chú rể sẽ làm lễ gia tiên (tức là thắp hương trên bàn thờ ông bà, tổ tiên) tại nhà gái. Sau cùng nhà trai xin được phép rước dâu về.
- Tại nhà trai (sẽ gọi là Lễ thành hôn):Nhà trai sẽ chuẩn bị sẵn xe để chở cô dâu và nhà gái về lại nhà trai. Về đến nhà trai, mẹ chồng sẽ dẫn tay cô dâu vào nhà, cô dâu và chú rể cùng làm lễ gia tiên tại nhà trai và cuối cùng nhà trai mời nhà gái và mọi người cùng tham gia tiệc cưới mà bên nhà trai đã chuẩn bị ở nhà hoặc là ở khách sạn.
Thủ tục lễ thành hôn tại Nhà Hàng
- Cô dâu, chú rể sẽ có mặt trước 45 phút để sửa soạn và chuẩn bị đón khách. Đến đúng giờ lành thì cử hành lễ thành hôn. Lễ thành hôn tại khách sạn bao gồm các phần chính: Giới thiệu cô dâu, chú rể. Giới thiệu hai bên gia đình. Nói về tình yêu của cô dâu và chú rể. Trao nhẫn cho nhau. Cắt bánh cưới. Rót rượu cưới. Cô dâu, chú rể uống rượu giao bôi.
- Cô dâu, chú rể kính rượu cha mẹ hai bên. Cảm ơn mọi người đã đến chung vui cùng hai gia đình và nhập tiệc. Cuối cùng gần hết buổi tiệc cô dâu, chú rể sẽ ra cổng chào cảm ơn khách đã đến.
Trình tự thủ tục lễ lại mặt
Ngoài ra, sau lễ cưới, cô dâu chú rể phải làm lễ lại mặt. Thời gian đôi tân hôn về nhà gái thường là ngay sau ngày cưới. Tuy nhiên, thời gian này còn phụ thuộc vào điều kiện của cô dâu chú rể và khoảng cách địa lý giữa hai nhà.
Thông thường, cô dâu chú rể sẽ tiến hành nghi lễ này vào buổi sáng. Các vật dụng trong gia đình nhà trai chuẩn bị là gà trống và gạo nếp hoặc đơn giản hơn là bánh kẹo, rượu thuốc để đôi vợ chồng trẻ mang về nhà ngoại. Và cô dâu chú rể sẽ ở lại ăn cơm cùng bố mẹ vợ.
Lễ ăn hỏi vẫn là một trong những nghi lễ quan trọng thể hiện ý nghĩa như một lời nhắc nhở đối với các cặp đôi mới cưới về chữ hiếu không chỉ với nhà chồng mà còn phải quan tâm đến gia đình bên vợ.
Ngoài ra, nó còn thể hiện sự chu đáo, quan tâm của họ nhà trai với nhà gái, tạo nên sự gần gũi, thắm thiết giữa hai nhà.
Sau lễ cưới 2 ngày hoặc sau khi đôi vợ chồng son đi hưởng tuần trăng mặt về thì sẽ về lại nhà gái. Đây gọi là lễ lại mặt. Lễ lại mặt không cần nhiều người như trong lễ cưới. Ý nghĩa của thủ tục này là thể hiện sự tôn trọng của nhà trai đối với nhà gái, sự yêu thương của gia đình chồng đối với cô dâu mới, sự hiếu thảo của cô dâu và chú rể dành cho gia đình nhà gái.
Sự khác nhau giữa thủ tục cưới hỏi miền Nam Trung Bắc
Bên cạnh sự đồng nhất trong thủ tục cưới hỏi của ba miền Nam trung Bắc thì mỗi miền vẫn có sự độc đáo riêng của mình.
Thủ tục cưới hỏi miền Nam
Trong lễ hỏi của người miền Nam có thêm một phần rất quan trọng và không thể thiếu là thắp hương lên bàn thờ gia tiên của nhà gái hay còn gọi là lễ lên đèn, kế tiếp chú rể sẽ trao lễ vật cho cô dâu và lễ vật thường là trang sức.
Còn đối với các phần tráp lễ vật nhà trai đưa sang, nhà gái sẽ chia làm 3 phần thường giữ lại 2 phần để mời cưới và gửi lại cho bên nhà trai 1 phần.
Thủ tục cưới hỏi miền Trung
Do ảnh hưởng ít nhiều từ truyền thống văn hóa cung đình Huế nên thủ tục cưới hỏi miền Trung tuy đã thay đổi theo thời gian nhưng vẫn còn mang dấu ấn văn hóa cung đình. Trong đám hỏi ngoài các khay lễ vật kể trên thì nhà trai còn mang theo một mâm nhỏ để đựng tiền treo (còn gọi là mâm lễ đen).
Đi đầu đoàn lễ phải luôn luôn là trưởng đoàn lễ theo sau là người cao tuổi có danh vọng trong dòng họ. Những người theo đoàn đều được lựa chọn cẩn trọng là những người có gia đình hòa thuận, êm ấm, hạnh phúc, con cháu đuề huề với hy vọng cô dâu, chú rể về sau sẽ có cuộc sống viên mãn.
Thường Ba, Mẹ cô dâu sẽ không theo đoàn rước dâu về bên nhà trai mà đợi đến hôm sau mới đến, việc này mang ý nghĩa nhà gái tôn trọng nhà trai và giúp Ba, Mẹ nhà gái dễ dàng nhận xét cuộc sống mới của con gái mình.
Thủ tục cưới hỏi miền Bắc
Thủ tục cưới hỏi miền Bắc có 2 điều cần lưu ý là:
+Đi hơn về kém: có nghĩa là nhà trai khi bắt đầu đi đón dâu phải đi vào giờ hơn và xin đón dâu ra khỏi nhà gái để về nhà trai phải đi vào giờ kém.
+Cha đưa Mẹ đón: có nghĩa là khi rước dâu Cha cô dâu sẽ đưa cô dâu đến tận cửa nhà của nhà trai và Mẹ chú rể sẽ nắm tay dẫn cô dâu vào tận nhà.
Thủ tục cưới lại 2 lần
Đây là thủ tục cưới dành cho các cặp đôi khi xem tử vi thấy không hạp nhau. Thủ tục cưới lại 2 lần tương đối tốn kém và rườm rà so với thủ thục cưới hỏi truyền thống thông thường. Khi nhà trai qua nhà gái làm lễ ăn hỏi thì cô dâu sẽ theo nhà trai về và cùng chú rể ngủ trong tân phòng 1 đêm.
Sáng hôm sau cô dâu phải lẻn ra về và bắt buộc không được để ai phát hiện. Đến ngày làm thủ tục thành hôn nhà trai sẽ qua nhà gái như đã bàn bạc trước và rước cô dâu về làm thủ tục thành hôn như bình thường.
Tóm lại cho dù là thủ tục cưới hỏi của vùng miền nào thì cũng đều cùng chung một mục đích là công bố cho mọi người biết sự kết đôi của cô dâu, chú rể và hai bên gia đình chính thức thân thiết đi lại với nhau.
Thủ tục cưới hỏi là dịp để cô dâu, chú rể bày tỏ lòng tri ân đối với khách mời và khách mời gửi lời chúc hạnh phúc đến với cô dâu, chú rể. Thực hiện thủ tục cưới hỏi cũng là thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Vì vậy chỉ cần trang nghiêm, chỉnh chu, không nên làm thủ tục trở nên rườm rà, nặng nề như vậy sẽ mất đi ý nghĩa vốn có của nó.